Nội trị Tề Cảnh công

Thất bại của Thôi, Khánh

Sau khi Thôi Trữ giết Trang công thì sai người mang lễ vật tới xin hòa với vua Tấn, và cũng để ém nhẹm vụ giết vua của mình, sau đó có hội chư hầu ở Trọng Khưu thuộc đất nước Tề.

Tề Cảnh công phong Khánh Phong, Thôi Trữ làm Tả, Hữu Tướng quốc điều hành chính sự. Không lâu sau Khánh Phong mưu trừ Thôi Trữ để một mình nắm quyền. Năm 546 TCN, nhân nhà họ Thôi có việc tranh chấp thừa kế giữa con lớn và con nhỏ, Khánh Phong giả cách giúp Thôi Trữ dẹp loạn 2 người con lớn nhưng nhân đó giết cả nhà họ Thôi. Thôi Trữ nhận ra mình bị lừa gạt bèn tự sát. Quyền chính nước Tề về tay Khánh Phong, nhưng Khánh Phong lại ham mê săn bắn, thường đem vợ con lại nhà Lư Bồ Miết uống rượu, nên việc quốc chính giao hết cho con lớn là Khánh Xá.

Năm 545 TCN, thấy Khánh Phong cùng Khánh Xá chuyên quyền, bốn họ đại phu họ Bão, Cao, Loan và Trần (Điền) mưu trừ họ Khánh. Cùng lúc đó theo lời của Lư Bồ Miết, Khánh Phong triệu em ông này là Lư Bồ Quý về triều, đem con gái gả cho, nhưng Lư Bồ Quý vẫn nuôi chí báo thù cho chủ cũ là Trang công. Mùa đông năm đó, thừa dịp Khánh Phong đi săn, chỉ có Khánh Xá ở nhà, Lư Bồ Quý và Vương Hà phát động binh biến, được 4 nhà mang quân trợ giúp, giết chết Khánh Xá trong ngày tế lễ[1]. Tề Cảnh công nhìn thấy hoảng sợ, Bão QuốcTrần Tu Vô cố trấn an và đưa nhà vua về cung[7]. Toàn bộ Khánh thị bị diệt, chỉ riêng Khánh Phong đang ở ngoài mới thoát, một mình bỏ chạy sang lưu vong ở nước Lỗ. Tề bức ép Lỗ phải giao Khánh Phong ra, Phong biết được lại chạy sang Ngô quốc, được Ngô Dư Sái thu nạp, sau bị quân Sở giết chết. Từ đó chính sự nước Tề ổn định trở lại.

Bởi vì loạn họ Thôi, các công tử anh em với Tề hầu đều chạy trốn ra nước ngoài. Đến đây nhà vua triệu họ trở về, ban cho đồ dùng và trả lại ấp phong. Lại đày Lư Bồ Miết ra Bắc Cảnh, cải táng cho huynh trưởng là Tề Trang công[8]. Cuối năm 545 TCN, vua Tề sai đào thây của Thôi Trữ và vợ là nàng Đường Khương lên, truyền phơi xác giữa chợ. Án Anh can rằng gia hình lên thân xác người phụ nữ là việc làm trái đức, vì vậy chỉ cho phơi xác của Thôi Trữ mà thôi.

Sự trỗi dậy của họ Trần

Sau khi Thôi, Khánh bị diệt thì đến lượt hai nhà Loan và Cao (hậu duệ dòng Huệ công) nắm quyền. Trưởng tộc hai nhà này là Loan ThiCao Cương vừa nghiên rượu vừa mê gái, lại ghét hai nhà Trần và Bão. Hai nhà Trần và Bão nghi Cao, Loan có ý diệt trừ mình, nên đã ra tay trước. Năm 532 TCN, Trần Vô Vũ cùng Bão Quốc (Bão Văn tử) đánh Loan Thi và Cao Cương. Hai nhà kia không chống nổi, bỏ chạy đến cung thất, nhưng Cảnh công sai đóng chặt Hổ Môn không cho họ vào. Hai nhà Cao, Loan đóng ở phía hữu, Trần và Bão đóng ở phía tả của Hổ Môn. Cảnh công theo lời Án Anh, cho rằng lỗi của Loan, Cao nặng hơn Trần, Bão nên cần diệt trừ trước. Loan ThiCao Cương chạy trốn sang Nước Lỗ. Trần và Bão chia nhau tài sản của Cao và Loan. Án Anh phải đem lý lẽ ra giảng giải để buộc hai họ trả số tài sản đó về công thất. Trần Vô Vũ xin cho gọi các Công tử bị họ Cao đuổi đi khi trước trở về Tề, các công tử đều cảm kích. Lại nịnh nọt mẹ vua là bà Mục Mạnh Cơ để bà nói giúp, xin cho họ Trần tăng thực ấp Cao Đường[9], từ đó họ Trần lớn mạnh, về sau đã thay họ Khương làm chủ nước Tề.

Có lần Cảnh công ngồi ở trong cung bàn với Án Anh về việc Trần Vô Vũ (Trần Hoàn tử) thường chu cấp của công thất, cứu tế lê dân, Án Anh cho rằng họ Trần cho của còn nhà vua thì thu thuế, lòng dân ắt hướng theo họ Trần, ngày sau khi công thất suy yếu tất sẽ bị họ Trần tiếm đoạt. Cảnh công từ đó có ý đề phòng họ Trần, song Trần Vô Vũ hành động cẩn trọng, không để lộ tội lỗi gì, nên chưa thể trừng phạt được.

Hiền tướng Án Anh

Bài chi tiết: Án AnhVụ án chia đào
Tập tin:YanPingZhong.jpgÁn Anh (578 TCN - 501 TCN)

Án Anh, người gốc Đông Hải, dáng người thấp nhỏ nhưng có trí tuệ thông minh và là một vị quan tài ba. Sau khi Thôi Trữ giết Tề Trang công đã từng có ý muốn giết luôn Án Anh vì ông ta không phục mình, nhưng cuối cùng bị can ngăn nên mới thôi. Sau khi Thôi, Khánh bị diệt; Tề Cảnh công lấy Án Anh làm tướng quốc, nắm hết quyền chính nước Tề, giống như Tề Hoàn công dùng Quản Trọng ngày trước. Trong lần xuất sứ Sở quốc, ông bị người Sở làm nhục đủ điều, nhưng vì tài ứng đối mà không bị mất danh dự, khiến Sở vương phải chịu phục. Sau lần đó, Tề Cảnh công tôn Án Anh làm thượng tướng, ban cho một cái áo câu giá nghìn lạng vàng, lại muốn phong thêm thái ấp và dựng dinh thự mới cho, nhưng Án Anh đều từ chối. Cảnh công có lần thăm nhà Án Anh trông thấy Án phu nhân đã già mà xấu, nên nói đùa là muốn đem con gái trẻ đẹp gả cho. Án Anh từ chối, bảo rằng không nỡ phụ bạc hiền thê. Do vậy Cảnh công lại càng mến đức và tin tưởng Án Anh[10].

Năm 539 TCN, Cảnh công định sửa sang chỗ ở của Án tướng quốc, Án Anh tìm cớ xin từ chối. Đến khi Án Anh đi sứ Tấn quốc, Cảnh công bèn cho phá những ngôi nhà xung quanh để mở rộng nhà của Án Anh. Án Anh trở về, tạ ơn Cảnh công, sau đó phá dỡ ngôi nhà mới, lấy gạch dựng lại những ngôi nhà bị phá khi trước và mời những người hàng xóm cũ trở về[11]. Ban đầu Cảnh công cảm thấy không hài lòng vì việc đó, nhưng Án Tử nhờ Thân Vô Vũ nói giúp, nên ông đành phải thuận theo như vậy.

Tề Cảnh công có ba viên dũng tướng là Điền Khai Cương, Công Tôn TiệpCổ Giả Tử đều từng có nhiều công trạng, rất được tin dùng. Ba người ngày càng kiêu ngạo và hống hách, không coi vua ra gì, Cảnh công dần sinh ý ghét, Án Anh tìm cách trừ khử họ đi. Nhân dịp Lỗ Chiêu công sang triều yết, Án Anh tâu với vua lấy 6 quả đào ra bàn tiệc, nói dối là Vạn thọ kim đào trồng 90 năm mới kết trái, rồi làm lễ chia đào, hai vua cùng hai tướng lễ (Án Anh và Thúc Tôn Nhược của Lỗ) mỗi người một quả, còn hai quả thì bảo các quan tự kể công lên để xét mà chia đào. Công Tôn Tiệp và Cổ Giả Tử tranh được hai quả đào ấy, mà Điền Khai Cương có công lớn nhất thì lại hết đào. Khai Cương bị nhục liền rút gươm tự sát. Công Tôn TiệpCổ Giả Tử nghĩ tình anh em và tự thẹn vì công nhỏ mà được ăn đào, nên cũng đâm cổ chết theo. Vụ này được nhắc đến với giai thoại "Giết ba dũng sĩ bằng hai quả đào" (nhị đào sát tam sĩ, 二桃殺三士).

Năm 522 TCN Tề Cảnh công mắc bệnh sốt cách nhiệt nằm ở trong cung, qua hết một năm vẫn chưa hết. Bọn Lương Khâu CứDuệ Khoản tâu với ông rằng căn bệnh đó là do quan Chúc và quan Sử (các chức lo việc tế lễ) không tôn kính khi khấn vái các vị thần linh, và đòi giết họ đi. Tề hầu đem việc hỏi ý của Phu tử (Án Anh). Phu tử đáp rằng khi nhà vua có đức thì tự nhiên quan Chúc sẽ đem những đức hạnh đó nói cho thần linh biết, và nhà vua sẽ được phù hộ. Nhưng hễ mà nhà vua làm việc xấu, thì quan Chúc vẫn phải trình bày sự thực, và nhà vua sẽ bị trời trừng phạt, nếu quan Chúc và Sử mà trình bày giả dối thì cả nước sẽ bị giáng tai vạ[12], và khuyên vua bớt việc xây dựng và lễ nhạc, giảm bớt thuế khóa... để tu sửa đức chính. Tề hầu nghe theo[13].

Cuối năm 522 TCN, Tề hầu đã khỏi bệnh, và đi săn ở đất Bái, sai viên quan là Ngu Nhân giữ việc coi vườn thú, cầm cái cung. Ngu Nhân không tới, Tề hầu sai người tới bắt tội muốn giết[14]. Ngu Nhân đáp rằng theo lễ khi triệu tập Ngu nhân thì người tới truyền phải mang theo mũ chiến, mà nay không thấy nên không đến; Tề hầu mới tha cho. Khi đi săn về, Tề hầu cùng với Án Phu tử ngồi trên lầu thấy Lương Khâu Cứ đi tới. Tề hầu khen Khâu Cứ là người hợp ý với mình. Án Anh bác lại, nói rằng nếu bề tôi hợp ý với vua tức là phải biết hết mọi việc của vua chỗ nào đúng thì tuân theo, chỗ nào sai thì sửa gium vua; còn Khâu Cứ chỉ luôn a dua theo những lời của Cảnh công mà thôi. Tề hầu lại hỏi nếu người xưa không chết thì sẽ ra sao, Án Anh đáp rằng nếu quả như vậy thì người làm vua hưởng phú quý ở đất Tề là dòng dõi vua trước chứ không phải là nhà vua bây giờ nữa[15].

Tề Cảnh công có một con ngựa rất quý, nhưng một hôm con ngựa ấy không bệnh mà lăn đùng ra chết. Nhà vua tức giận lên người chăn ngựa, muốn xử tội phanh tay. Án Anh can ngăn rằng việc xử tội phanh thây là quá tàn ác, Cảnh công vẫn chưa nguôi giận, truyền đem giam vào ngục đợi ngày hành hình. Án Anh bèn đứng ra xin kể ba lý do giết tên chăn ngựa, để anh ta chết không hối tiếc, nhà vua đồng ý. Án Anh kể tội rằng

  1. Thứ nhất, vua giao cho coi ngựa, mà không cẩn thận làm ngựa chết, tương đương với ngươi giết con ngựa, phải đền mạng.
  2. Thứ hai, vì vua rất yêu con ngựa, nên phải khép anh ta vào tội chết.
  3. Thứ ba, vua vì một con ngựa mà giết người, sẽ khiến thiên hạ đồn vua yêu ngựa chứ không quý người, và mọi người sẽ chê cười vua. Nhưng căn nguyên là người nuôi ngựa làm ngựa chết mới làm tức giận, nên càng đáng ban cho anh ta tội chết.

Tề Cảnh Công nghe thấy biết Án Anh can ngăn mình, đành phải tha tội cho người chăn ngựa[16]. Năm 516 TCN, trên bầu trời Tề quốc xuất hiện Tuệ tinh là điềm gở, quần thần đều kêu khóc, xin làm lễ cầu yên. Chỉ có Án Anh là cười to mà thôi. Tề hầu giận hỏi vì sao, Án Anh nhân đó khuyên nhà vua hảo trị cung thất, khoan chính giảm hình thì không cần sợ điềm lành dở. Cảnh công theo lời khuyên đó, và hủy bỏ lễ cầu yên[1][17]. Từ đây đến hết thời Cảnh công, Tề tiếp tục cường thịnh trong khi Tấn và Sở thì ngày một suy yếu.

Điền Nhương Thư

Sau cái chết của tam dũng sĩ, Nước Tấn và Yến quốc thừa cơ cử binh phạt Tề. Trước tình thế lưỡng đầu thọ địch, Án Anh đã tiến cử cho Tề Cảnh công một vị tướng tài là Điền Nhương Thư làm tướng[18]. Giám quân Trang Giả đến trễ, Nhương Thư lấy quân lệnh giết chết hắn. Tề Cảnh công vội sai người cầm cờ tiết đến tha cho Giả. Nhương Thư nói rằng tướng cầm quân không cần tuân theo lệnh vua, lại trị tội người cầm cờ vì dám phi ngựa thẳng vào doanh trại, chém ngựa và phá xe để thế mạng sứ giả. Đối với quân sĩ thì hết lòng khích lệ, vì thế sĩ khí quân Tề lên cao, quân hai nước kia phải tháo chạy. Cảnh công bèn phong cho Nhương Thư chức Tư mã. Sau lại có người gièm pha Nhương Thư cầm nhiều binh quyền, lại là người thân tộc với Trần Vô Vũ, nên Cảnh công dần sinh nghi kị, dần bãi chức của Nhương Thư khiến ông ta uất ức mà chết. Di sản của Tư Mã Nhương Thư để lại cho đời là một quyển binh pháp, gọi là Tư Mã pháp[19].

Khổng Tử

Bài chi tiết: Khổng Tử

Khoảng năm 517 TCN, Khổng Tử vì việc Lỗ quốc có loạn họ Quý, phải đào bôn đến Tề quốc[20]. Tề Cảnh công hỏi Khổng Tử về việc trị quốc. Khổng Tử đáp: Vua ra vua, thần ra thần, cha ra cha, con ra con. Vua đáp rằng: Thiện tai. Giả như mà vua chẳng ra vua, thần chẳng ra thần, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, tuy có sung túc đấy, nhưng ta có thể nào ăn những thức ăn đấy được. Sự tích này được gọi là Tề Cảnh công vấn chánh ư Khổng Tử[21][22].

Tề hầu khâm phục tài của Khổng Tử, bàn về cách đối đãi như sau[23]

Ta không thể đãi Khổng Tử như vua Lỗ đãi họ Quý (hàng thượng khanh), mà có thể đãi ông ấy vào bậc giữa họ Quý và họ Mạnh (họ Mạnh là Hạ khanh).

Và muốn muốn đem đất Ni Khê phong cho ông. Quần thần đứng đầu là Tướng quốc Án Anh đều phản đối. Cảnh công sau đó lại nói

Ta già rồi, không thể dùng Khổng Tử được[24].

Khổng Tử bèn bỏ đi, sau lại trở về nước Lỗ và lập công dẹp loạn Dương Hổ, được trọng dụng, lại theo phò Lỗ Định công ở cuộc họp Giáp Cốc (xem phần dưới)[20].